"Thành đoàn Hạ Long – nơi hội tụ sức trẻ, thắp sáng khát vọng, xây dựng tương lai, đồng hành cùng thành phố phát triển, trở thành biểu tượng của sáng tạo, đoàn kết và đổi mới."
Âm nhạc dẫn lối, vượt lên bóng tối
Không còn nhìn thấy, xung quanh chỉ còn là bóng tối. Một ngày âm nhạc mở lối, mang đến cho cuộc sống của người khiếm thị những thanh âm đầy màu sắc.
Chiều muộn cuối tuần, du khách qua lại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chật như nêm. Nơi một góc phố Tràng Tiền, tiếng đàn piano vang lên, hòa cùng tiếng sáo trúc du dương níu chân du khách dừng lại thưởng thức những thanh âm trong trẻo.
Không còn nhìn thấy, xung quanh chỉ còn là bóng tối. Một ngày âm nhạc mở lối, mang đến cho cuộc sống của người khiếm thị những thanh âm đầy màu sắc giúp họ vượt qua bóng tối cuộc đời, tỏa sáng trên sân khấu âm nhạc.
Âm nhạc mở lối cho ban nhạc khiếm thị
Trên phố đi bộ, các chàng trai mặc sơ mi thắt nơ lịch lãm, thuần thục ngồi trước cây đàn piano, guitar, sáo trúc thổi hồn cho giọng ca nữ đang cất tiếng hát đầy ngọt ngào. Chiếc áo dài màu đỏ thướt tha nổi bật trong "dàn soái ca sơ mi trắng" của cô gái nhỏ nhắn thu hút ánh nhìn của người dạo bộ.
Họ là thành viên của ban nhạc Nắng mới, thuộc mái ấm Đông Đô ở Hà Nội. Dù đôi mắt không nhìn rõ xung quanh nhưng suốt bảy năm qua, với niềm say mê âm nhạc, các thành viên của mái ấm đã say sưa tập luyện để cống hiến những màn biểu diễn nghệ thuật đầy sắc màu cho khán giả, đặc biệt là du khách đến ghé thăm thủ đô vào dịp tối cuối tuần.
Anh Trần Bình Minh, chủ nhiệm mái ấm Đông Đô, nhớ lại những ngày đầu mái ấm chỉ có năm thành viên, hiện tại đã quy tụ 20 thành viên cùng tham gia.
"Được các cấp lãnh đạo quan tâm, chúng tôi được tạo điều kiện biểu diễn ở phố đi bộ vào mỗi tối cuối tuần. Nhờ sân khấu đó các bạn khiếm thị có cơ hội tỏa sáng, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình", anh Minh bộc bạch.
Nhưng để thuần thục biểu diễn các nhạc cụ và biểu diễn ca khúc bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, mỗi thành viên của ban nhạc Nắng mới phải nỗ lực rất nhiều, dày công luyện tập, phải vượt qua nhiều rào cản trong việc học nhạc.
Anh Minh giãi bày, người khiếm thị phải sử dụng chữ Braille (chữ nổi) để học nhưng rất khó để tìm thấy tài liệu, sách vở về âm nhạc viết bằng chữ nổi. Nhưng bù lại, các bạn khiếm thị có đôi tai nhạy bén hơn để ghi nhớ và tập trung lắng nghe những thanh âm trong cuộc sống.
Ở mái ấm, các bạn khiếm thị có năng khiếu về âm nhạc, có thế mạnh về nhạc cụ nào sẽ được anh Minh và các anh chị đi trước hỗ trợ, đồng hành để tập trung vào sở trường của bản thân. Mái ấm cũng vạch ra lộ trình rõ ràng để các thành viên tập trung phát triển tài năng của mình.
Đến nay sau bảy năm thành lập, mái ấm Đông Đô đã tạo nguồn, phát hiện ra các bạn khiếm thị có năng khiếu âm nhạc và khuyến khích các bạn theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp.