"Thành đoàn Hạ Long – nơi hội tụ sức trẻ, thắp sáng khát vọng, xây dựng tương lai, đồng hành cùng thành phố phát triển, trở thành biểu tượng của sáng tạo, đoàn kết và đổi mới."
Quán cơm 2.000 đồng sưởi ấm bệnh nhân nghèo
Gần 2 tháng qua, những bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai như bớt đi gánh nặng từ khi quán cơm 2.000 đồng xuất hiện trước cửa bệnh viện.
Tại đây, mỗi ngày hàng trăm suất cơm trưa nóng sốt được trao tới tay bệnh nhân nghèo và người lao động khó khăn, giúp họ ấm lòng vượt qua thời khó.
300 suất cơm hết sạch chưa đầy 60 phút
Đồng hồ vừa qua 10h, hàng chục bệnh nhân đã lục tục kéo tới xếp hàng tại quán cơm dưới tầng hầm tòa nhà trên đường Tôn Thất Tùng, cạnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Xen lẫn trong màu áo đồng phục bệnh nhân là những người bán vé số, xe ôm rúm ró trong bộ áo quần cũ ngả màu. Dòng người khắc khổ trật tự chờ đến lượt nhận cơm ra bàn ngồi ăn hoặc nhận hộp xốp cầm về.
Khách của quán không chỉ mỗi bệnh nhân mà còn nhiều thành phần khác như xe ôm, vé số, người đi nuôi bệnh và cả nhân viên bệnh viện.
Lần đầu được dẫn đến ăn trưa, chị Siu Báy, người Jarai tại xã Ia Pal (huyện Chư Sê), còn nhiều bỡ ngỡ. Chồng chị đau nặng, chuyển lên bệnh viện tỉnh nằm đã mấy hôm, chị Siu Báy bỏ việc đi chăm chồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà không có ruộng rẫy, cả hai đi làm công nhật kiếm tiền nuôi con nhỏ.
Công việc tạm bợ, bữa có bữa không mà tiền công chỉ nhận được 200.000 đồng mỗi ngày. Sau khi vay mượn khắp nơi tạm ứng viện phí 2,5 triệu đồng cho chồng, chị chẳng còn mấy đồng dằn túi. Biết vậy, những "người đi trước" trong phòng bệnh đã dẫn chị đến quán cơm này.
Chưa đầy một giờ mở cửa, gần 300 suất cơm đã phát hết. Dù vậy, lúc này vẫn có hàng chục người kéo đến. Để "chữa cháy", nhân viên bếp đon đả mời bà con ngồi xuống bàn giải thích và nấu mì tôm trứng cùng trái cây mời họ dùng tạm đợi hôm sau.
Chị Như Ý, nhân viên bếp ăn, bảo đúng ra chỉ phát cơm cho những người có phiếu ăn do y tá bệnh viện cấp, nhưng đến giờ cơm, bà con vào đông quá, mà ai nấy cũng khắc khổ nên bếp không nỡ chối từ. Bởi vậy mà kế hoạch ban đầu phát ngày 200 suất cơm nâng lên gần 300 suất vẫn thiếu.
2.000 đồng: liều thuốc tinh thần
Để có mấy trăm suất cơm trưa phục vụ bà con, từ 6h bếp ăn đã hối hả nổi lửa chuẩn bị. Ngoài ba nhân viên cơ hữu, bốn người khác được chủ quán điều động tham gia hỗ trợ. Có những hôm nhiều bà con phát tâm, ghé vào phụ giúp cho bếp.
Trong tầng hầm bí bách, mấy người phụ nữ nhễ nhại mồ hôi quanh những chiếc nồi to bốc khói nghi ngút. Trong bếp có Hà Thị Phượng (23 tuổi), dù bụng bầu 8 tháng nhưng ngày nào cũng có mặt làm việc không ngơi nghỉ với nụ cười thường trực trên môi. Luôn tay cầm hộp xốp chia phần ăn chuẩn bị sẵn, Phượng cười bảo sẽ làm tới khi nào "bể bầu" mới nghỉ.
Dù đề biển "Quán cơm 2.000 đồng" nhưng thực chất hầu như là miễn phí bởi không phải khách nào dùng bữa xong cũng bỏ tiền quyên góp vào chiếc thùng tùy tâm đặt trước cửa.
Chị Nguyễn Thị Huy (35 tuổi, chủ quán) bảo chiếc thùng đặt đó như liều thuốc tinh thần, giúp người nghèo khó mạnh dạn vào dùng bữa mà không ngại ngần hay mặc cảm cơm từ thiện.
Là người kinh doanh hàng thời trang qua mạng, chị Huy phát tâm làm bếp ăn phục vụ bệnh nhân nghèo. Chị hài hước bảo từ nhỏ đã nung nấu ý định khám bệnh phát thuốc cứu người, nhưng bởi học hành không tới nên chuyển qua phát cơm. Ngoài ba bếp chính được chị thuê trả lương cố định, những người còn lại là nhân viên cửa hàng được huy động tới giúp.
Thấy bếp ăn hiệu quả, thu hút được nhiều bà con đến, một số người phát tâm đồng hành với chị. Trong đó người góp tiền, người góp sức hoặc góp hiện vật như gạo, dầu, trứng, trái cây. Nhờ đó, bếp ăn ngày càng phục vụ nhiều hơn những suất ăn cho bà con nghèo.
Theo chị Huy, ngay cả tầng hầm - nơi đặt bếp ăn - cũng được chủ nhà giúp đỡ không lấy tiền dù rằng ban đầu chị đã hỏi thuê. Có lẽ những tấm lòng nhân ái đã tìm thấy sự đồng điệu để cùng nhau san sẻ với người nghèo khổ.