"Thành đoàn Hạ Long – nơi hội tụ sức trẻ, thắp sáng khát vọng, xây dựng tương lai, đồng hành cùng thành phố phát triển, trở thành biểu tượng của sáng tạo, đoàn kết và đổi mới."
‘Bé hạt tiêu’ làm tay, làm chân cho bạn tới trường
Hồ Thanh Lâm bị dị tật hai chân từ khi lọt lòng, chỉ có thể bò bằng tay. Hai năm qua, thương bạn nên Hồ Văn Phát và Hồ Anh Tân trở thành đôi chân, hằng ngày cõng bạn tới trường…
Lâm, Phát và Tân cùng là người Vân Kiều, học lớp 2A6 tại điểm trường Pa Nho, Trường tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh gọi các em là ba cậu bé "ngự lâm", giúp đỡ nhau chiến đấu chống lại bệnh tật, đến trường học chữ mỗi ngày.
Gian nan đường học, đường đời
Tám năm trước, chị Hồ Thị Ê trở dạ, sinh ra Lâm dị tật bẩm sinh cả hai chân. Chân trái của em cong về trước bụng, chân phải quặp lại sau lưng. Thấy con trai út dị tật, người bố bỏ đi biệt tích.
Hai ngày tuổi, em được chuyển từ bệnh viện huyện về tuyến tỉnh để bó bột, nắn chân lại cho thẳng hơn. Trong một năm đầu đời, Lâm gắn liền với bệnh viện để chữa trị đôi chân. Mẹ em cũng mắc nhiều bệnh nên mọi chi phí chữa trị được miễn.
Hơn hai tuổi, em lại vào Bệnh viện Trung ương Huế để mổ chân. Một dự án phi chính phủ tài trợ chi phí điều trị, nhưng ăn ở gia đình phải tự lo. Ở được hai tháng thì mẹ hết tiền nên bồng con trốn ra viện.
Từ đó đến nay, hai bàn chân em co quắp, đầu gối không duỗi thẳng được. Khi trở trời, Lâm hay sốt cao, đôi chân lạnh ngắt, nhức mỏi. Chị Ê cũng mắc nhiều bệnh: viêm đại tràng, ho và nhất là viêm khớp. Nhà ở ngay trước điểm trường Pa Nho, chỉ cách một con dốc nhưng nhiều khi chị Ê không lê nổi bước chân để bồng con đến lớp.
Anh trai đầu của Lâm đi làm ăn ở Bình Dương, anh thứ hai đau ốm, chị gái sắp lấy chồng. Cả nhà Lâm sống phụ thuộc vào vườn chè, chị Ê bán ở chợ Khe Sanh ngày nào được giá thì 50.000 đồng, có khi ế mang về.
Ríu rít đường tới trường
Bộ ba Lâm, Tân và Phát chơi với nhau từ nhỏ và cùng học một lớp khi vào tiểu học. Phát đô con hơn đám bạn cùng lứa nên cõng Lâm nhỏ thó, co quắp trên lưng. Còn Tân thấp hơn, nhanh nhẹn cùng lúc xách ba cái cặp đi bên cạnh. Ba bạn vừa đi vừa cười nói, trò chuyện tíu tít.
Điểm trường chưa có bán trú nên buổi trưa học trò về nhà ăn cơm, chiều lại đến lớp. Do đó, mỗi ngày bốn lượt, Phát và Tân cõng Lâm đi và về cho hai buổi học sáng chiều. Không chỉ thế, Phát còn cõng bạn đi vệ sinh, cõng bạn ra sân xem các bạn chơi đuổi bắt, nhảy dây, đá bóng...
Đôi khi, thấy Lâm ngồi một mình buồn, Tân và Phát đến bên cạnh trò chuyện, đọc sách cùng nhau. Những khi Lâm đau nhức chân, hai bạn còn giúp nắn bóp, xoa chân để bạn đỡ đau.
Tan học, Phát cõng Lâm vào tận cửa nhà, Tân mang cặp sách vào rồi cả hai mới về nhà của mình ở cuối khóm 6.
Thở hổn hển, gương mặt nhễ nhại mồ hôi sau khi cõng Lâm về nhà, Phát bẽn lẽn nói: "Cõng bạn đi học mệt nhưng vui". Phát không lý giải được niềm vui, nhưng đôi mắt em sáng lên, môi nở nụ cười tươi.
Trong khi đó, Tân lưu loát hơn, cho biết cả hai giúp cõng Lâm đi học, đi vệ sinh, đi về nhà. "Con không thấy mệt, ngược lại rất vui vì bạn được đi học, biết chữ" - Tân nói.
"May là có mấy bạn giúp đỡ, yêu thương cõng Lâm đi về khi tôi đi làm hoặc lúc đau ốm. Rất cảm ơn các bạn và cô giáo quan tâm, yêu thương Lâm chân thành. Tôi rất mừng, không biết nói như nào để trả ơn các bạn", chị Hồ Thị Ê tâm sự.
Chị Ê cho hay sẽ cố gắng hết sức để cho Lâm theo đến cùng với con chữ, không bỏ ngang như các anh chị.
Cô Ngô Thị Ninh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A6, điểm trường Pa Nho, Trường tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, xúc động cho hay việc Phát và Tân cõng Lâm đi học hằng ngày rất đáng khen.
"Việc làm có ý nghĩa to lớn vì giúp Lâm thấy vui hơn, được hòa đồng cùng các bạn, không bị bỏ rơi so với các bạn cùng lớp" - cô Ninh bùi ngùi nói.