"Thành đoàn Hạ Long – nơi hội tụ sức trẻ, thắp sáng khát vọng, xây dựng tương lai, đồng hành cùng thành phố phát triển, trở thành biểu tượng của sáng tạo, đoàn kết và đổi mới."
Cậu bé ngồi xe lăn và câu chuyện về trường học hạnh phúc
Câu chuyện trường học hạnh phúc qua lời kể của Lê Hoàng Quân (học sinh lớp 6A7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà Bè, TP.HCM) và phụ huynh của bạn để lại nhiều suy ngẫm.
Lê Hoàng Quân đã định nghĩa về trường học hạnh phúc: "Người khuyết tật như em được đi học đã rất vui rồi. Trường của em còn là trường học hạnh phúc vì các thầy cô không chỉ giảng bài hay, hấp dẫn mà còn quan tâm đến học sinh. Các bạn cùng lớp và khác lớp với em thì rất thân thiện và tốt bụng.
Trường của em còn có bạn Phạm Tuấn Hưng, bạn chơi rất thân với em. Hưng đã tự nguyện xin cô chủ nhiệm lên ngồi gần em để giúp đỡ em mọi việc ở trường. Bạn không chỉ học giỏi mà còn rất tinh ý. Chỉ cần em quơ tay, chưa kịp nói gì là Hưng đã hiểu em cần giúp đỡ".
Ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà Bè, TP.HCM, Lê Hoàng Quân là một học sinh đặc biệt. Căn bệnh teo cơ tủy sống đã khiến Quân không thể đi lại như bình thường. Ngoài ra, tay của Quân cũng yếu ớt, mọi hoạt động cầm, nắm… đều rất khó khăn.
"Khi con học hết lớp 5, tôi lo lắm. Lo nhà trường sẽ ngại ngần không nhận học sinh khuyết tật, lo con mình sẽ bị các bạn kỳ thị… Nhưng mọi lo lắng của tôi đã tan biến khi Quân trở thành học sinh chính thức của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm" - chị Trần Hồng Như, mẹ em Hoàng Quân, tâm sự.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường nổi tiếng ở huyện Nhà Bè. Vì được nhiều phụ huynh tin tưởng, muốn gởi con vào học nên ban giám hiệu trường này phải chịu áp lực khá lớn vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.
"Tôi là mẹ đơn thân, đi thuê nhà ở gần Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bán bún chả để kiếm tiền nuôi con. Nhà trường đã nhận con tôi vào học và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để con có thể học bán trú như các bạn khác.
Thầy cô giáo quan tâm và thương yêu cháu Quân là một lẽ. Ngay cả các cháu học cùng lớp, khác lớp với con tôi cũng dễ mến lắm.
Hằng ngày, khi tôi chở Quân đến trường là ngay lập tức các bạn chạy ra. Bạn cầm giúp ba lô, bạn cởi mũ bảo hiểm, bạn đỡ chân, bạn đỡ tay, có bạn thì nhanh nhảu chạy vào lớp lấy xe lăn ra… Ngay cả phụ huynh cũng đặc biệt dễ thương khi nhiều anh chị rủ bạn bè, người thân đến ăn bún chả ủng hộ tôi…" - chị Như chia sẻ.
Câu chuyện của em Lê Hoàng Quân đã gây xúc động mạnh tại buổi thi chung kết Nét đẹp trường em do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 17-1.
Trên sân khấu, chị Như không kìm được nước mắt khi nói về trường học hạnh phúc: "Với tôi thì trường học hạnh phúc chính là khi học sinh được an toàn, vui vẻ khi đi học. Phụ huynh chúng tôi thì yên tâm để đi làm kiếm sống".
Gần 300.000 học sinh thi Nét đẹp trường em
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hội thi Nét đẹp trường em do sở tổ chức từ tháng 10-2023 đến nay, bao gồm ba vòng.
Vòng 1 thi trực tuyến: thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi trực tuyến với nội dung về an toàn trường học; phòng chống bạo lực học đường; một số nội dung thuộc lĩnh vực pháp luật có liên quan đến độ tuổi của học sinh; văn hóa ứng xử trong nhà trường; mối quan hệ giữa học sinh với bạn bè, thầy cô…
Vòng 2: các đội sẽ làm đoạn phim ngắn (video clip) từ 5-7 phút, thể hiện được đặc điểm, nét đẹp nổi bật của nhà trường.
Vòng 3: thí sinh sẽ biểu diễn một tiết mục sân khấu hóa về chủ đề trường học hạnh phúc, sau đó trả lời câu hỏi của ban giám khảo.
Trong đó, vòng 1 có 273.706 học sinh tham gia. Đến vòng chung kết, ban tổ chức đã chọn 10 đội thuộc 10 trường THCS, THPT để thi tranh giải.
Kết quả khối THCS: Giải nhất là Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn. Giải nhì là Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè và Trường THCS Gò Vấp, quận Gò Vấp. Giải ba là Trường THCS Minh Đức, quận 1 và Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12.
Khối THPT: Giải nhất là Trường THPT Tây Thạnh. Hai giải nhì là Trường THPT Phước Long và Trường tiểu học, THCS, THPT Tân Phú. Hai giải ba là Trường THPT Đào Sơn Tây và Trường tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm.
Được biết, hội thi Nét đẹp trường em hướng học sinh đến lối sống văn minh, cách ứng xử phù hợp để phòng chống bạo lực học đường.
Theo TPO