"Thành đoàn Hạ Long – nơi hội tụ sức trẻ, thắp sáng khát vọng, xây dựng tương lai, đồng hành cùng thành phố phát triển, trở thành biểu tượng của sáng tạo, đoàn kết và đổi mới."
Học trò làm Đường 20 Tháng 11 tặng thầy cô
Thương thầy cô cũ và bà con, học trò đi lại trên con đường trơn trượt, ngập sâu mỗi khi nước lên, học trò cũ bỏ tiền xây con đường mới khang trang mang tên Đường 20 Tháng 11.
Có đường mới, Tết thêm vui
Đường 20 Tháng 11 nằm tại ấp An Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, vừa được đưa vào sử dụng đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023.
Con đường cao ráo, khang trang có tổng vốn đầu tư 1,83 tỉ đồng, do cựu học sinh Bình Khánh đóng góp.
Thầy Trần Văn Thổ, nguyên hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Đồng Khởi IIB (xã Bình Khánh), cho biết cựu học sinh nảy ý tưởng làm đường mới trong buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022. Đúng một năm sau, con đường được hoàn thành.
Nhắc lại con đường cũ trước đây, nhiều người lớn lẫn trẻ con không khỏi "ớn lạnh". Đường rộng chỉ 1,2m, được làm từ năm 1990 đã xuống cấp nặng, sụt lún nhiều, rất khó đi lại trong mùa mưa hay những tháng nước rong.
Con đường 20 Tháng 11 cao, rộng hơn con đường cũ, người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt, không còn cảnh ngập nước - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Cô Bảy, bán hàng bên đường, cho biết những ngày ngập, nước có thể dâng lên đến đầu gối. Học sinh đi học phải xắn quần cao. Nhiều hôm vì bùn trơn đọng khi nước lên, học sinh đi xe đạp té ngã.
Có dịp Tết, gần 50 hộ dân trong khu vực gần như không thể dùng xe máy vì nước ngập, đường trơn. Tết năm 2023 đã có người chạy xe ra khỏi nhà gặp tai nạn trên đường, xem như mất luôn cái Tết.
Giờ thì đường mới nền cao, không ngập, cô Bảy cảm nhận được sự thay đổi. Quán xá của cô không phải "chạy nạn" mỗi khi nước lên nữa. Học sinh đi học mỗi sáng thuận tiện. Bà con đón Tết cũng vui hơn.
Không quên "người đưa đò"
Ngay lối vào đường 20 Tháng 11 là cổng chào với hình ảnh viên phấn và mái trường yêu dấu của bao thế hệ học sinh - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thầy Trần Văn Thổ nhớ lại năm 1978, trường học ở Bình Khánh đơn sơ vách lá, thầy cô giảng bài ở phòng này thì phòng bên nghe rõ mồn một. Đường sá, sân trường rất thấp, những ngày mưa lớn, những bữa nước rong, trường ngập trong nước.
Vậy là ngoài dạy và học, thầy trò tham gia lao động tu bổ, xây dựng phòng học, bàn ghế. Thầy trò cũng cùng nhau trồng mía, chuối, nuôi gà, tiền lời được tích góp vào quỹ mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học.
Nhiều học sinh ở bên kia sông đi lại khó khăn, ngày ngày được ba mẹ chèo ghe đưa đi học. Những đợt thi học sinh giỏi trên thị trấn, thầy cô thường đưa các em khó khăn về nhà để tiện chăm lo và chở các em đi thi. Tình cảm của học trò với thầy cô - những người đưa đò thầm lặng - cũng vì vậy mà ngày càng khăng khít, khó phai.
"Có lẽ vì trong gian khó nên các em học sinh hễ có điều kiện học là cố gắng học thật tốt. Và khi đã thành đạt, các em luôn nhớ đến quê hương và có nguyện vọng trở về đóng góp", thầy Thổ nói.
Những cây phượng con được học trò trồng bên đường 20 Tháng 11 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Nguyễn Văn Đoàn - phó bí thư thường trực xã Bình Khánh, một cựu học sinh của trường - chia sẻ các thầy cô như thầy Thổ luôn gắn bó với giáo dục địa phương, thường có nhiều sáng kiến hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất cho trường lớp và vận động học bổng cho học sinh.
Do vậy theo ông, con đường 20 Tháng 11 là một sự tri ân theo ý nghĩa tinh thần "tôn sư trọng đạo" của học sinh Việt.
Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm những con đường mới được triển khai như đường 20 Tháng 11 để việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn.
Theo tuổi trẻ